Diễn đàn du lịch cấp cao
“Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO – Kiến tạo tương lai”
Sáng ngày 5/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO – Kiến tạo tương lai” nhằm thảo luận và đề xuất các biện pháp tăng cường chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển NET ZERO cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Nằm trong chuỗi hoạt động hội thảo chuyên đề chuyên tại Hội chợ ITE HCMC 2024, sáng nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO – Kiến tạo tương lai”. Đây cũng là một trong những hoạt động triển khai, thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tới tham dự Diễn đàn, có sự hiện diện của Ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch các nước; lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam và quốc tế.
Hướng tới du lịch NET ZERO
Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Du lịch xanh sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế xanh, giúp tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu đạt Net Zero (khí thải ròng bằng không) vào năm 2050.
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhấn mạnh Hội chợ ITE HCMC 2024 phải đảm bảo 3 mục tiêu chính. Đó là: Quảng bá rộng rãi về lợi thế, tiềm năng của du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt là giới thiệu những sản phẩm mới đến với du khách, tiếp cận theo hướng du lịch xanh để phát triển 1 cách bền vững. Hội chợ không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối giữa những người làm công tác quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các cộng đồng doanh nghiệp để cùng trao đổi, chia sẻ thông tin mà còn chung mục tiêu hướng đến cùng nhận thức và hành động để du lịch phát triển xanh và bền vững. Cuối cùng, Hội chợ phải hướng tới thị trường khách hàng, cung cấp khách hàng các dịch vụ ưu đãi, các nội dung ngành du lịch đang hướng đến phục vụ, từ đó tăng lượng khách, người mua quốc tế.
Bên cạnh đó, với chủ đề “Du lịch bền vững – Kiến tạo tương lai”, Bộ trưởng cho biết: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đất nước Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nghiệm, cam kết thực hiện các điều ước đã đề ra, tôn trọng các khuyến nghị của các tổ chức du lịch quốc tế, đặc biệt là Tổ chức du lịch thế giới UNWTO. Cách tiếp cận của UNWTO đã đề ra: khi phát triển du lịch xanh, cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân 1 cách bền vững. Ở một mức độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.”
Với cách tiếp cận này, Chính phủ Việt Nam yêu cầu xây dựng chương trình phù hợp với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Tinh thần đó được thể hiện qua Nghị quyết 82 về xây dựng kế hoạch vận động quốc gia tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030, xác định ưu tiên phát triển loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch phải xanh. Phát triển du lịch gắn với đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra sản phẩm xanh độc đáo nhằm thu hút du khách, tăng cường công tác quản lý điểm đến, không có rác thải nhựa để hoàn thiện và phát huy hiệu quả của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là chuyển đổi số. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng cường các dòng sản phẩm đã hiện diện ở Việt Nam có thế mạnh, lợi thế, dư địa phát triển như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các di sản tự nhiên, văn hóa. Ngoài ra, du lịch còn có nhiệm vụ tạo ra cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.”
Chính sách NET ZERO tại Việt Nam
Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều công ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu như: Công ước khung về Biến đổi khí hậu (1992); Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015) và gần đây là các cam kết về phát thải ròng bằng 0 và liên quan tới chuyển đổi năng lượng, chuyển dịch xanh tại COP 26 tổ chức tại Glasgow.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tất cả các quốc gia, hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như thực hiện cam kết quốc gia.
Tính đến nay, Việt Nam đã có những hành động từ các công ty du lịch đến các cơ quản lý nhà nước để thực hiện mục tiêu giảm khí thải, khí nhà kính của các hoạt động liên quan đến du lịch. Đặc biệt liên quan tới việc không sử dụng hóa thạch, Việt Nam đã cam kết giảm dần điện than vào năm 2030 và cắt bỏ hoàn toàn điện than vào 2040. Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều các văn bản chỉ đạo, pháp luật được ban hành. Đặc biệt, từ Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các quyết định có tính chất quy phạm hướng tới mục tiêu định hướng cộng đồng, doanh nghiệp.
Tiến sĩ cùng chỉ ra rằng, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận khách của khách hàng, vận hành du lịch để thực hiện yêu cầu này.
Thành phố Hồ Chí Minh, nỗ lực thúc thẩy chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, sự tăng trưởng của Thành phố đang phải đối mặt với thách thức phát triển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để phát triển một cách bền vững.
TP.HCM cũng đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua mục tiêu NET ZERO. Điều này đòi hỏi TP.HCM với vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng cần phải “bứt phá” hơn nữa.
Cũng tại phiên 1, Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm mục tiêu Net Zero của ngành du lịch phải là mục tiêu của các ngành tổng hợp.
TP.HCM đã gắn kết 3 ngành giao thông – năng lượng – tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu cacbon. Theo đó, thành phố tập chung vào chuyển đổi xe bus có lộ trình 100% xe bus thành phố thành xe bus sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sang xe điện, chuyển đổi sang xe điện, xe đạp hoặc đi bộ. Phát triển các năng lượng tái tạo ở các lĩnh vực (điện áp máy mặt trời, điện đốt rác, điện gió). Cuối cùng là tiêu dùng xanh, hiện tại đã có khu đảo Thiền Liền sử dụng plastic free,
huyện đảo Cần Giờ là nơi thí điểm Net Zero của thành phố.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế – xã hội.
Lộ trình chuyển đổi nền có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận, và điều chỉnh chính sách. Cần đảm bảo các cột mốc về: (1) Nâng cao nhận thức; (2) Áp lực thay đổi; (3) Các lựa chọn kỹ thuật; (4) Các quyết định chính sách; (5) Thay đổi hành vi; (6) Các kết quả phát triển bền vững đạt được dưới tác động của các động lực như đối thoại và sự tham gia của các bên liên quan, khoa học và công nghệ
Trong thời gian tới, cần có sự đóng góp, tham gia của Các Sở Ban ngành, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết các giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện.